Đã 20 năm kể từ ngày các đại học Việt Nam chập chững tìm cách liên kết, hợp tác với đại học nước ngoài. Trải qua thời gian, các trường Việt Nam tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Ít dần những vụ việc như Đại học quốc gia Hà Nội hợp tác “nhầm” với trường “dỏm” Irvine University từ Mỹ, hay trường SITC sau khi thu học phí của học viên thì trốn chạy về Singapore. Đã qua rồi thời “đôi lứa xứng đôi”, các đại học Việt Nam không tồn tại trên bảng xếp hạng các trường top 1.000 thế giới, và các trường liên kết hầu như trôi nổi, không được kiểm định ở quốc gia họ.

Hiện nay, đại học trong nước cũng cải thiện thứ hạng đáng kể. Trong bảng xếp hạng trường top 1.000 thế giới, ở trong nhóm đại học công lập, xuất hiện những cái tên như Đại học quốc gia (Hà Nội, TP. HCM) cùng các trường thành viên: trường đại học Bách Khoa, trường đại học quốc tế và Trường đại học Tôn Đức Thắng, còn trong nhóm các trường tư thục/dân lập, có các tên Trường Đại học FPT, Trường Đại học Duy Tân. Một số đại học trong nước đạt được kiểm định ngành uy tín như ABET cho nhóm ngành kỹ thuật, AACSB cho ngành kinh doanh. Ngoài ra, vô số các đại học đạt kiểm định của ASEAN, của Pháp, của Đức, vv…

dai hoc quoc te

Xem thêm: Chọn trường theo chương trình học: chương trình Mỹ hay Anh

Các đại học nước ngoài cũng “tràn” sang Việt Nam tuyển sinh. Liên kết quốc tế là hình thức hợp tác phổ biến, trong đó sinh viên đại học có thể chọn học theo mô hình du học tại chỗ (3/4 + 0), du học bán phần (1/2/3 + 3/2/1) hoặc du học toàn phần (0 + 3/4). Trong khi hầu hết các đại học tham gia hợp tác ở mức “thường thường bậc trung”, thì cũng có một số đại học thuộc nhóm các đại học top đầu thế giới đã hiện diện ở Việt Nam để tuyển sinh và hợp tác, vì những lý do khác nhau như:

– Tăng tính đa dạng: Sinh viên Việt Nam sẽ đóng góp vào tính đa dạng của các trường đại học lớn, đồng thời các trường cũng có thêm lợi ích khi thể hiện tầm ảnh hưởng toàn cầu.

– Tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu trao đổi toàn cầu: Các chương trình hợp tác mở ra cơ hội hiểu biết lẫn nhau, trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên.

– Mở rộng việc tuyển sinh: Việc tuyển sinh của đại học, thực chất, giống như hoạt động sales của doanh nghiệp. Các đại học ngoài việc lo đảm bảo chất lượng, thì cũng phải lo tuyển sinh đủ chỉ tiêu để tồn tại. Với các quốc gia xuất khẩu giáo dục thì học phí của sinh viên là một nguồn thu quan trọng nuôi sống nhà trường, đặc biệt là sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên châu Á đóng góp vào đại học phương Tây. Một số đại học vật lộn để tuyển sinh trong bối cảnh mới, bao gồm cả đại học top đầu, vì bằng đại học của trường top hiện nay không còn đảm bảo công việc như trước.

Mặt phải của đại học top là tạo dựng được sự tin cậy của nhà tuyển dụng ở ấn tượng ban đầu khi sàng lọc ứng viên, mặt trái là chi phí học tập đắt đỏ. Nếu cầm bằng trường top mà không có được việc làm, thì học trường top có thể là một khoản “lỗ nặng”. Hiện nay cả sinh viên và nhà tuyển dụng đều thực tế hơn rất nhiều và họ chỉ chọn những gì phù hợp và liên quan đến nhu cầu của mình.

– Hiểu hơn về sinh viên Việt Nam: Các đại học nước ngoài có cơ hội từng được tiếp xúc với những sinh viên giỏi nhất, ưu tú nhất của nền giáo dục Việt Nam trên giảng đường nước họ, nên cũng có thêm niềm tin vào sinh viên Việt Nam. Kết quả là, nhiều trường đã chấp nhận sinh viên Việt Nam với cơ chế tuyển sinh thoáng hơn trước.

Dưới đây là một số cơ hội học chương trình liên kết với các đại học hàng đầu của thế giới tại Việt Nam theo các chương trình liên kết tại chỗ với đại học Việt Nam:

– Đại học Monash (nhóm G8 gồm 8 đại học top đầu nước Úc): hợp tác với Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), Học viện Ngoại giao, Đại học FPT, Đại học Y Dược TP. HCM, Đại học kinh tế TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học Đà Nẵng…
– Đại học Queensland (nhóm G8 đại học Úc): Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học quốc tế
– Đại học Adelaide (nhóm G8 đại học Úc): Đại học Bách khoa TP. HCM
– Đại học Sydney (nhóm G8 đại học Úc): Đại học quốc tế
– Đại học New South Wales (nhóm G8 đại học Úc): Đại học quốc tế
– Đại học quốc gia Úc (nhóm G8 đại học Úc): Đại học kinh tế quốc dân
– Đại học Oxford (Anh): Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM
– Đại học Carnegie Mellon, Đại học Illinois at Urbana Champaign (Mỹ): chuyển giao chương trình cho trường Đại học Duy Tân, Đại học Văn Lang…\

Và còn rất nhiều trường khác nữa!

Tác giả: Harry Bùi Khánh Nguyên – Anh Cá Heo – Diễn giả độc lập về giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon