Trường quốc tế ở Việt Nam đã trải qua ba thập kỷ phát triển, bắt đầu từ những năm 1990. Ba thập kỷ đó không phải là thời gian quá dài trong phát triển giáo dục, nhưng nó cũng đủ để có dấu ấn lên hàng chục niên khóa học sinh. Với năm làn sóng trường quốc tế, thị trường giáo dục ngày càng đầy đủ lựa chọn hơn cho các học sinh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu gia tăng trong khi giáo dục công lập vẫn còn là “chiếc áo chật” so với tiềm năng phát triển kinh tế năng động của Việt Nam.
Làn sóng thứ nhất, bao gồm các trường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập theo quan hệ ngoại giao như UNIS (tiếng Anh), Yersin (tiếng Pháp) … Khi đầu tư nước ngoài bắt đầu chảy vào Việt Nam cùng việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam theo dòng vốn đầu tư, dẫn tới sự hình thành của các trường quốc tế như ISHCMC, BIS, ABC, SSIS, HIS… Các trường quốc tế giai đoạn này chủ yếu do người nước ngoài thành lập, hoặc những người có mối liên hệ mật thiết với đối tác bên ngoài, nên đã tạo thành những cộng đồng quốc tế thực sự đa dạng tại Việt Nam. Hầu hết các trường đời đầu cho đến nay vẫn duy trì được uy tín và chất lượng đào tạo, là hình mẫu cho các trường quốc tế tại Việt Nam.
Làn sóng thứ hai là các trường quốc tế do doanh nhân Việt Nam thành lập. Đặc trưng của các trường này là sự am hiểu thị trường trong nước, và khả năng thích ứng mau lẹ với môi trường Việt Nam. Các trường thường chú trọng tới những chương trình học mà phụ huynh quan tâm, và trong thời kỳ đầu để phục vụ những học sinh bị từ chối ở các trường có tiếng hơn vì tiếng Anh chưa đủ tốt, hoặc vì khả năng phục vụ của trường có hạn. Do ít hiểu biết về giáo dục bài bản, nên các trường quốc tế do người Việt xây dựng mất nhiều thời gian để gây dựng uy tín với phụ huynh. Rất nhiều trường trong số này do các công ty xây dựng hoặc các công ty Việt Nam có quỹ đất lập nên, phần học thuật khá chênh vênh. Văn hóa quốc tế bị pha loãng bởi văn hóa điều hành của một công ty Việt Nam, chỉ sử dụng tiếng Việt thay cho môi trường quốc tế, là một cản trở để các trường này theo kịp các trường nhóm đầu tiên về tính chuyên nghiệp và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các trường này đã cải thiện thông qua việc tìm kiếm kiểm định chất lượng của các tổ chức quốc tế.
Làn sóng thứ 3 là sự pha loãng trường quốc tế thành trường song ngữ. Thời gian đầu của giai đoạn này khá lộn xộn, phụ huynh bị lạc lối với truyền thông của các trường song ngữ liên tục quảng cáo là trường quốc tế. Tuy nhiên, sau khi đã có kinh nghiệm nhiều hơn, nhiều phụ huynh Việt Nam nhận ra trường quốc tế không phải mô hình trường học xuất sắc như họ tưởng, mà trong trường quốc tế có cả học sinh xuất sắc, học sinh trung bình, thậm chí học sinh kém, thì phụ huynh thấy trường song ngữ cũng không phải là điều gì đó quá tệ, nếu không nói là nó rất phù hợp với bối cảnh của học sinh Việt Nam khi vẫn phải giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa mẹ đẻ, đồng thời cần thời gian để thông thạo tiếng Anh, cũng như thời gian cho cha mẹ làm quen với môi trường quốc tế, đồng thời học phí bằng khoảng 40-50% trường quốc tế.
Làn sóng thứ 4 là các trường quốc tế online. Khởi đầu từ phong trào học homeschooling của học sinh tại Việt Nam, các phụ huynh dần dần nhận ra trường quốc tế không hoàn toàn valued for money, cũng như hình thức học từ xa có thể thay thế hoàn toàn cho hình thức học trực tiếp. Dịch COVID-19 càng làm đẩy nhanh sự phát triển của trường học online, cho tới khi tất cả các chương trình của Anh, Mỹ, Canada, Tú tài quốc tế đều có thể học online với giáo viên “thực sự bản xứ” thì trường quốc tế online đã trở thành một dòng chảy chính thống của giáo dục thế kỷ 21.
Làn sóng thứ 5, làn sóng gần đây nhất, diễn ra sau khi Trung Quốc bắt buộc các trường quốc tế phải dạy chương trình quốc gia Trung Quốc, dẫn tới việc nhiều trường quốc tế Trung Quốc phải đóng cửa, học sinh Trung Quốc và nước ngoài mất cơ hội tiếp cận giáo dục quốc tế. Đón đầu làn sóng này, các trường quốc tế bắt đầu để ý thị trường Việt Nam, với những cái tên còn xa lạ với Việt Nam như Brighton College (liên kết với Vinschool), Reigate Grammar School (liên kết với trường ISV cũ), North London Collegiate School (liên kết với Embassy Education), Marianapolis (liên kết với trường Bắc Mỹ), trường Scotch AGS, trường Uppingham College…
Hiện nay dạy bằng tiếng Anh và chương trình học quốc tế không còn là điều gì mới mẻ và hấp dẫn nữa. Đã qua rồi cái thời xây lên mấy tòa nhà, thuê mấy người nước ngoài vào đứng lớp, đi mua chương trình nước ngoài về “dán” vào trường để được gọi là trường quốc tế. Trong thời gian tới, các trường quốc tế phải thực sự cạnh tranh nhau bằng chất lượng giảng dạy xuất sắc, bằng hoạt động tuyển sinh – marketing – truyền thông có đạo đức và chuẩn mực cao, bằng môi trường văn hóa tích cực trong trường học… để có thể tồn tại và phát triển. Thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự thiết lập và hoán đổi ngôi vị. Cá Heo vẫn tiếp tục ở đây để giúp bạn minh định vàng thau trong thế giới các trường quốc tế ở Việt Nam.
Nguồn: Harry Bùi Khánh Nguyên – Anh Cá Heo – Diễn giả độc lập về giáo dục