Qua 10 năm tuyển dụng và làm việc với vô số giáo viên bản ngữ, tôi tổng hợp được một số kinh nghiệm để cùng chia sẻ với các anh, chị. Giáo viên bản ngữ (Anh, Mỹ, Canada, Úc, Ai-len, Nam Phi) tại các trường quốc tế ở Việt Nam có thể được phân theo 3 nhóm:

Xem thêm: Các trường thpt tư thục quốc tế tại TPHCM

GIÁO VIÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

• Nhóm 1: Những giáo viên đã ở Việt Nam nhiều năm. Đây thường là những giáo viên lớn tuổi, có gia đình, ổn định, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và thường là những giáo viên tốt. Các trường đều mong muốn tuyển dụng được các giáo viên này.

• Nhóm 2: Các giáo viên trẻ, thích đi đây đi đó, thường ở mỗi nước từ 2 đến 3 năm. Đây là nhóm giáo viên chiếm đa số. Trong đó, có người là giáo viên tốt và có người không.

• Nhóm 3 (tạm gọi là Tây Ba-lô): Số này chỉ ở Việt Nam dưới một năm, với mục đích du lịch. Đây là nhóm thường không có bằng cấp sư phạm và thiếu kinh nghiệm. Các trung tâm ngoại ngữ cỡ trung bình và các trường quốc tế “dỏm” thường tuyển nhóm này vì lương thấp, nhưng vẫn có “mắt xanh, da trắng” bắt mắt. Các trung tâm ngoại ngữ tốt và các trường quốc tế nghiêm túc không bao giờ tuyển dụng nhóm “không phải giáo viên” này.

Về bằng cấp, ngay cả tại những trường quốc tế hàng đầu cũng không có nhiều giáo viên bản ngữ đã tốt nghiêp đại học ngành sư phạm, hay có bằng PGCE (Postgraduate Certificate in Education – Chứng chỉ Giáo dục Sau đại học). Phần lớn giáo viên thường chỉ có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm quốc tế như TESOL, CELTA, TEFL. Các chứng chỉ này tương tự như chứng chỉ Nghiệp vụ Sư phạm của Việt Nam, đào tạo kỹ năng sư phạm cho những người không học ĐH Sư phạm, nhưng muốn trở thành giáo viên đứng lớp.

Về môn học, có rất nhiều giáo viên dạy tiếng Anh và các môn Xã hội học, nhưng rất ít giáo viên chuyên ngành Toán và Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh,…) nhất là ở các lớp cuối cấp trung học. Điều này dễ hiểu, vì ngay cả Anh, Mỹ, cũng thiếu giáo viên giỏi các ngành này. Hệ quả là chất lượng giảng dạy các môn Toán và Khoa học ở các lớp lớn thường không cao, trong khi chúng ta có thể khá yên tâm về chất lượng giáo viên các môn tiếng Anh và Xã hội.

Ngoài bằng cấp, kinh nghiệm và khả năng giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất để tuyển chọn giáo viên. Ở các trường tốt, giáo viên thường phải qua 4 vòng tuyển dụng: xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn, dạy thử và thử việc. Đa số giáo viên nước ngoài thường có thái độ làm việc nghiêm túc và khoa học. Giáo viên nước ngoài ở Việt Nam được trả lương cao hơn so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Ngoài ra, thiên nhiên đẹp, thành phố đông vui, nhộn nhịp, thức ăn ngon, cộng đồng expat (người nước ngoài làm việc tại Việt Nam) lớn, và tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt cũng là những yếu tố quan trọng thu hút nhiều giáo viên nước ngoài đến Việt Nam.

Tóm lại, đa phần giáo viên bản ngữ tại các trường quốc tế tốt thường có chất lượng khá ổn, nhất là giáo viên cấp 1 và cấp 2. Giáo viên tiếng Anh và Xã hội rất nhiều và thường có chất lượng tốt hơn giáo viên Toán và Khoa học. Giáo viên cũng thường đổi việc từ trường này qua trường khác.

Để có được giáo viên tốt, hệ thống nhân sự, quản lý, giám sát của các trường phải làm việc rất nghiêm túc để tránh và loại bỏ các giáo viên yếu kém. Lương cao và chế độ tốt rất quan trọng để tuyển mộ giáo viên giỏi, nhưng đó không phải là tất cả. Qua quá trình làm việc với các giáo viên nước ngoài trong nhiều năm, tôi nhận thấy nhiều thầy cô nước ngoài rất có tâm, coi trọng các giá trị truyền thống, yêu thương học trò, yêu công việc giảng dạy, muốn học hỏi và phát triển nghề nghiệp.

Giáo viên tốt thường lựa chọn làm việc ở các trường có môi trường lành mạnh, ở đó, họ được hỗ trợ, được đào tạo, trao đổi chuyên môn, được trường bảo vệ (khỏi những yêu cầu quá đáng của phụ huynh), và có thể tập trung tối đa vào giảng dạy và tỏa sáng.

Bài viết tác giả Chi Dao trong nhóm PHHS có con học trường quốc tế

3.5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon