Trong thời đại 4.0, người ta thường nói : Thắc mắc thì hỏi Google – Mua vui thì vào Youtube. Đó là hai trong những công cụ hữu ích để phát triển nhận thức và giải trí cho mọi lứa tuổi. Nhưng đó cũng là một vấn đề gây đau đầu cho người lớn khi việc truy cập youtube đã trở nên “quá nhanh – quá nguy hiểm” đối với trẻ em qua các kênh độc hại .

Bên cạnh những đoạn clip giải trí và giáo dục lành mạnh, không thiếu các Video Clip đen, clip sex …Tuy nhiên, điều nguy hại không chỉ đến từ loại clip 18 + này, mà còn hằng hà sa số những Clip mới thoạt xem qua, tưởng là để cười cho vui, hay giáo dục một cái gì đó. Nhưng xem kỹ mới thấy sự độc hại của nó.

Khổ một cái, chính những yếu tố nhảm nhí, phản khoa học lại khiến cho các em thích thú, say mê vì nó độc đáo – lạ lùng và đáng cười để xả stress sau những buổi học “nặng nề” trên trường! Tiếc thay, nó không chỉ đơn thuần là chọc cười – mà còn ẩn chứa những ý đồ tệ hại : Xóa bỏ những giá trị đạo đức trong giao tiếp, phổ biến những ảo tưởng mê tín dị đoan , tạo ra những hiểu biết phản khoa học một cách lệch lạc. Khổ nỗi, chính những điều đó lại có sức thu hút việc truy cập của các em thiếu ý thức về giá trị bản thân, kiến thức về khoa học, luôn tò mò háo hức trước những cái mới lạ, độc đáo.

truyen thong va giao duc
truyen thong va giao duc

Để xây dựng những hình ảnh có giá trị giáo dục cao, mà lại phải hấp dẫn, có các yếu tố thu hút sự quan tâm của các em, là một điều không dễ . Rất nhiều các bộ phim, các clip có ý tưởng giáo dục tốt nhưng lại quá nghiêm túc, hay tạo các tình huống “cù không cười”. Khiến cho các giá trị sống muốn truyền tải nhanh chóng chìm mất trong khối lượng thông tin khổng lồ. Ngoài ra, cũng có nhiều bộ phim, clip Video dành cho trẻ em nhưng cái ý đồ “giảng dạy” quá lộ liễu, hay sơ sài còn phần giải trí thì lại bị chính các giới hạn về giáo dục làm cho khô cứng. Trong khi đó, để xây dựng một nội dung “nhảm nhí” không cần truyền tải một thông điệp hay một kiến thức khoa học gì – thậm chí là phản khoa học, lệch lạc – thì lại khá dễ dàng, miễn sao là gây cười và thu hút sự chú ý của các bạn trẻ là đủ.

Đứng trước sự “tấn công” như vũ bão trên Youtube với các clip độc hại, nhảm nhí “ đông như quân Nguyên” – thì sự phòng vệ của phụ huynh lại quá sơ sài theo kiểu “ Quản không được thì cấm” – nó cũng như kiểu, cấm trẻ chơi game bằng việc tịch thu điện thoại, cắt mạng ! Hay khá hơn một chút là cài đặt các app giám sát, giới hạn phạm vi truy cập và thời gian vào mạng của các em.

Rốt cuộc lại tạo nên một “trò chơi trốn tìm” nhằm lách luật, lén bẻ khóa – tìm mọi cách để dối trá của các em, và đẩy “trình độ” láu cá với sự hiểu biết lệch lạc của các em lên 1 tầm cao mới, cho đến khi xẩy ra những hậu quả tai hại, thì lúc đó lại hốt hoảng cho các em đi “giải độc” cấp cứu ở các chuyên gia tâm lý, mà kết quả thì chỉ là chuyện “ may thầy phước chủ” ! vì không phải em nào cũng chịu đi, cũng không phải phụ huynh nào cũng chịu nghe những yêu cầu cho chính họ!

Bởi vì nguyên tắc để giúp trẻ thay đổi hành vi chính là “khi cha mẹ thay đổi cách ứng xử, thi con cái cũng thay đối cách đối phó ! nhưng thay đổi hành vi không phải là những “giải pháp mì ăn liền” ở những khóa giảng về KNS lấy nước mắt của trẻ em hay những “kỹ thuật trị liệu” nhắm vào các em! Đó phải là những biện pháp căn cơ, áp dụng thường xuyên trong gia đình theo những “chiến lược” cụ thể từng bước một.

Dành thời gian cho con là cần thiết, nhưng dành như thế nào ? vào lúc nào và với những yếu tố gì thì lại là những yếu tố không đơn giản. Hơn nữa, không phải chỉ là sự quan tâm, tương tác với con mà còn là một quan điểm sống tích cực và hài hòa giữa các yếu tố cần thiết cho trẻ em – Học, chơi, giải trí, nghỉ ngơi và ..làm việc nhà ! Có nhiều cha mẹ tuy rất thương con nhưng đã có quan điểm sống khá đơn giản là trẻ em chỉ cần 2 việc quan trọng : Học hành cho giỏi và ăn uống cho ..lên cân!

Trong khi đó, áp lực học tập với những khối lượng bài vở nặng nề và vô bổ ngày càng đè nặng lên các em,mà chính những cơn đau của các chứng bệnh “tâm thể” hay sự phản đối, không muốn đi học, không dám đến trường… là những “thông điệp” rất cụ thể mà trẻ em đã gửi đến cho người lớn ! Tiếc thay, nhiều người lại không quan tâm, chỉ khi nào những phản ứng ấy lên đến mức trầm trọng thì mới bắt đầu tìm thầy tìm thuốc !

Video hay cả các game online cũng như những con dao, biết dùng thì nó là những công cụ hữu ích, không biết cách thì nó sẽ làm hại cho bản thân, nhưng không thể cấm trẻ không được dùng dao, mà cần hướng dẫn cho các em biết cách sử dụng – Sử dụng đúng là biết được ý nghĩa đích thực của nội dung, xem đó là một hình thức giải trí, làm cân bằng cám xúc cho các em. Đừng lo lắng đến mức cấm đoán, cũng đừng kỳ vọng nhiều về giá trị của các clip giáo dục, vì hầu hết đều là những ý tưởng giáo điều mơ hồ mang tính lý thuyết, không phù hợp với tâm lý của trẻ em Việt Nam. Cùng lắm chỉ làm cho các em cười hay khóc vì những hình ảnh, câu nói khơi gợi cảm xúc trong lúc đó rồi thôi !

Điều quan trọng chính là thái độ vui vẻ trong cuộc sống gia đình – tạo cho các em một môi trường lành mạnh và những trải nghiệm tích cực, đơn giản và cụ thể ngay trong nhà mình. Không nhất thiết phải bỏ ra hàng chục triệu cho các khóa học “cao cấp” về kỹ năng sống cho con. Cũng như các khóa Triết lý tư duy cao siêu của các nhà “ảo thuật về ngôn từ” dạy cho cha mẹ “nghệ thuật sống” nhuốm màu tôn giáo, mà quên đi những hoạt động cùng nhau một cách bình thường trong gia đình. Chính điều này mới giúp cho các em thấy được giá trị bản thân và có sự tự tin trong một phong cách sống quân bình về ba mặt : Học hành – nghỉ ngơi và giải trí !

LÊ KHANH-
Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình & Trẻ em

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon