Năm nay, viết cho mùa tuyển sinh của các trường phổ thông năm học 2021 – 2022, tôi lựa chọn tập trung vào một chủ để cụ thể là việc chuyển trường học và sự liên thông giữa các trường. Để dễ tham khảo cho cha mẹ, tôi viết bài này dưới dạng Hỏi – Đáp (Q&A) theo kinh nghiệm những câu hỏi tôi thường nhận được từ rất nhiều phụ huynh khác nhau.

1. Có chuyển qua lại được giữa trường công và trường tư không?
Nếu bạn chuyển từ trường công sang trường quốc tế, thông thường là được, với điều kiện con đạt trình độ yêu cầu ở kỳ kiểm tra đầu vào của trường quốc tế, phổ biến là kiểm tra môn Toán và Tiếng Anh. Nhưng ở chiều ngược lại, chuyển từ trường quốc tế sang trường công là khó đạt được.

Khó thứ nhất là học sinh trường quốc tế tiếng Việt có thể kém tới mức không đủ học chương trình Việt Nam, do vậy các trường công từ chối. Khó thứ hai là cơ chế: theo quy định học sinh học trường công phải có học bạ chương trình Việt Nam, cái mà trường quốc tế không thể cung cấp được. Cách duy nhất đi qua cánh cửa này là chuyển từ trường quốc tế về trường song ngữ, học một vài năm, sau khi học sinh có học bạ chương trình Việt Nam thì chuyển tiếp sang trường công.

Cũng cần lưu ý là quy định hiện nay cho phép chuyển đổi qua lại giữa trường công và trường tư nhưng chỉ trước lớp 10. Ở cấp trung học phổ thông (lớp 10 – 12), học sinh học ở trường nào phải ở yên trường đó.

chuyen truong lien thong truong

2. Hs có thể chuyển qua lại giữa các ch.trình quốc tế khác nhau như Tú tài quốc tế, Cambridge, Anh, Mỹ,… không?
Về nguyên tắc là các chương trình tương đương nhau và học sinh có thể chuyển đổi qua lại bất cứ lúc nào, trừ những năm cuối cấp. Chương trình IGCSE học liên tục trong hai năm lớp 9-10, chương trình A level và IB Diploma học trong hai năm liên tục lớp 11-12 do vậy không thể “nhảy” vào giữa chừng, mà phải theo từ đầu khóa và theo liên tục trong hai năm để nhận được bằng cấp cuối khóa.

Xem thêm: bài viết chi tiết về Phân loại các trường theo chương trình học và phần 2 phân loại các trường theo sự quản lý nhà nước

3. Các cấp lớp khác nhau giữa các chương trình như thế nào?
Nếu chúng ta ký hiệu A là mầm non, B là tiểu học, C là trung học cơ sở, D là trung học phổ thông thì các chương trình có sự phân chia như sau:

– Chương trình Việt Nam: A = 3-5 tuổi, B = lớp 1- 5, C = lớp 6-9, D = lớp 10 – 12. Trường mầm non Việt Nam chia ra 2 cấp, nhà trẻ nhận bé từ 6 tháng đến 2 tuổi, mẫu giáo nhận bé từ 3 đến 5 tuổi. Học sinh Việt Nam bắt đầu học tiểu học lúc 6 tuổi, kết thúc trung học lúc 18 tuổi.

– Chương trình Mỹ/Canada: A = 4-5 tuổi, B = lớp 1-5, C = lớp 6 – 8, D = lớp 9 – 12. Các trường ở Mỹ/Canada có thể có 6 năm tiểu học, hoặc 3 năm trung học phổ thông, nhưng các trường Mỹ/Canada ở VN thường áp dụng mô hình như ở trên. Học sinh trường Mỹ/Canada bắt đầu tiểu học lúc 6 tuổi, kết thúc trung học lúc 18 tuổi giống Việt Nam.

– Chương trình Anh/Cambridge: A = 2-4 tuổi, B = lớp 1 – 6, C = lớp 7 – 9, D = 2 + 2 (lớp 10 – 11 và 12 – 13). Học sinh học 13 năm, bắt đầu học tiểu học lúc 5 tuổi và kết thúc trung học lúc 18 tuổi. Học sinh có thể rời trường lúc 16 tuổi sau khi học xong IGCSE/GCSE. Chương trình Cambridge có thể được điều chỉnh thành 12 năm, bắt đầu lúc 6 tuổi, kết thúc lúc 18 tuổi.

– Chương trình Tú tài quốc tế: A = 2-5 tuổi, B = lớp 1-5, C = lớp 6 – 10, D = lớp 11 – 12.
Lưu ý là học sinh hệ Anh bắt đầu học tiểu học từ 5 tuổi.

4. Các trường tính tuổi học sinh có giống nhau không?
Mỗi trường có cách tính tuổi riêng. Trường VN, Mỹ, Canada tính tuổi theo năm, ví dụ năm nay 2021 thì học sinh sinh từ ngày 1/1/2011 đến 31/12/2011 sẽ tính 10 tuổi. Một số trường Anh tính tuổi theo tháng, sinh trước ngày khai giảng năm học thì tính đủ tuổi, sinh sau ngày khai giảng năm học thì tính tuổi theo lứa học sinh năm sau. Ví dụ, trường lấy ngày 1/8 là ngày khai giảng, em nào sinh từ sau 1/8/2010 đến 1/8/2011 được tính 10 tuổi, em nào sinh từ 1/8/2021 đến 1/8/2022 tính 9 tuổi. Dựa vào tuổi để xếp vào lớp trên hay lớp dưới.

5. Các cấp lớp bị “vênh” nhau giữa các chương trình, vậy khi chuyển đổi gặp khó khăn gì?
Đúng là các cấp lớp tiểu học – trung học cơ sở – trung học phổ thông khác nhau giữa các chương trình, do vậy khi chuyển trường cần tính toán phù hợp. Hầu hết các chương trình, học sinh đều vào học tiểu học từ 6 tuổi, trừ chương trình Anh học sinh bắt đầu học tiểu học từ 5 tuổi. Tuy nhiên, ở tất cả các chương trình thì học sinh đều kết thúc tiểu học lúc 11 tuổi (cuối lớp 5 Việt Nam), nên kết thúc tiểu học là một thời điểm thuận lợi để chuyển ngang sang chương trình khác.

Khi chuyển từ trung học cơ sở sang trung học phổ thông thì cần lưu ý, trung học phổ thông của VN là 3 năm cuối, của Tú tài quốc tế là 2 năm cuối, của Cambridge là 4 năm cuối, của Mỹ/Canada là 4 năm cuối. Do vậy, nếu chuyển qua lại thì có thể chuyển sau lớp 8, lớp 9 hoặc lớp 10.

6. Chuyển đổi qua lại giữa các trường có ảnh hưởng đến học sinh không?
Về lý thuyết là có ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, nhưng nếu cha mẹ và nhà trường chuẩn bị tốt, thì có thể biến việc chuyển trường thành một động lực mới, tạo sự thay đổi tích cực cho học sinh. Thực tế học sinh trường công VN phải chuyển trường ít nhất 4 lần trong đời học sinh. Do không có trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 như trường tư, nên học sinh công lập học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở 4 trường khác nhau.

7. Chuyển trường ở mức độ nào thì chấp nhận được?
Nếu có thể thì hãy để học sinh được học nguyên cấp học ở cùng một trường, chuyển đến ở đầu cấp và chuyển đi ở cuối cấp vì chương trình phổ thông được thiết kế thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn là một vòng tròn đồng tâm hoàn chỉnh về kiến thức. Tuy nhiên, nếu có những lý do hợp lý thì việc chuyển ngang giữa cấp cũng không phải là vấn đề quá lớn. Quan trọng nhất vẫn là kế hoạch và sự chuẩn bị.

Tham khảo: gia sư quốc tế dạy kèm chương trình song ngữ quốc tế

8. Học sinh có được học nhảy lớp không?
Luật hiện nay cho phép học sinh học nhảy lớp, theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT. Việc áp dụng nhảy lớp tùy theo chính sách của từng trường.

9. Chuyển trường khiến học sinh mất bạn?
Với các phương tiện liên lạc ngày nay, bạn bè sẽ không “mất” trừ khi các em “quên”. Học sinh vẫn có thể liên lạc và tiếp tục là bạn ngay cả sau khi chuyển trường.

10. Học sinh thường chuyển trường vì lý do gì?
Trong quá trình tư vấn cho khoảng vài ngàn phụ huynh tới nay, tôi thấy những lý do sau đây là phổ biến:
– Thay đổi chỗ ở và việc làm của cha mẹ trong cùng thành phố, giữa các tỉnh thành, hoặc ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài về VN
– Thay đổi trường để theo học một chương trình khác
– Thay đổi vì tìm kiếm một văn hóa trường học đặc thù của trường công, trường tư, trường song ngữ, trường quốc tế
– Con cần một môi trường để phát triển tài năng tốt hơn mà trường hiện tại không đáp ứng được
– Con cần được bảo vệ khỏi án kỷ luật, hay bắt nạt, áp lực… từ trường cũ
– Bất đồng về quan điểm giáo dục giữa gia đình với nhà trường

Hy vọng bản Q&A này gỡ rối phần nào cho các cha mẹ cần chuyển trường cho con. Chuyển trường không quá tệ như chúng ta nghĩ, nó đơn giản chỉ là đi sang một toa khác của một con tàu, còn mục tiêu vẫn là tới ga ở phía trước.

Bài viết từ FB của tác giả: Harry Bùi Khánh Nguyên – Anh Cá Heo – Diễn giả độc lập về giáo dục

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon