Em là giáo viên, và thường theo dõi các bài viết và các công trình nghiên cứu về tâm lý học đường của các nước sử dụng tiếng Anh. Đây là một trong những bài viết hay của tiến sĩ Michael Grose, ngành tâm lý giáo dục, ĐH Monash, Úc. Em thấy bài viết này rất bổ ích, và hy vọng mọi người sẽ thích!

Cha mẹ phải làm gì khi con có vẻ như không xuất sắc bằng các bạn?

Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt theo cách của riêng chúng: sở thích, sở trường và sở đoảng. Phần lớn các bậc cha mẹ đều coi sở trường của con mình như một thứ tất yếu phải có, còn sở đoảng thì như một khuyết điểm nhức nhối mà con phải cố gắng khắc phục.

Trong khi đó, con đã cố hết sức, nhưng kết quả thì chẳng được mỹ mãn như một số bạn đồng lứa khác. Cha mẹ phải làm gì khi thấy con mình chật vật làm những việc mà các bạn khác đều đạt được một cách dễ dàng?

Tập trung vào quá trình tiến bộ chứ không phải kết quả

Những nghiên cứu mới nhất cho thấy những ai tin rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim” thường tiến bộ hơn khi đi học, khi đi làm và trong cuộc sống sau này. Khả năng của con ngày hôm nay không phải mặc định – con luôn có thể học hỏi thêm, trưởng thành hơn, và tốt hơn.

Thay vì trân trọng con vì con có năng khiếu, hay giỏi cái này cái nọ, thì các bậc phụ huynh hãy trân trọng con vì con đã rất cố gắng mở rộng kiến thức và khả năng của mình.

Hơn nữa, những đứa trẻ phải cố gắng nhiều thời thơ ấu học được một trong những bài học đắt giá nhất trong cuộc đời – kết quả không tự nhiên mà đến. Những bạn quá năng khiếu thường ỷ vào khả năng sẵn có mà ít cố gắng, nên khi các bạn gặp khó khăn thật, các bạn thường khó chấp nhận hoàn cảnh này, vì từ xưa đến nay mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Đã có không ít câu chuyện về những em hồi nhỏ rất nổi trội, nhưng lúc lớn thất bại do thiếu kiên trì.

Động viên và nhắc nhở con liên tục cố gắng

Những đứa trẻ phải cố gắng quá nhiều thường không tự tin, nên bạn hãy động viên và nhắc nhở con liên tục cố gắng, ngay cả khi con đạt được những thành công nhỏ nhất.

Động viên con khám phá những sở trường khác

Các con thường có sở trường của riêng mình: “Con thích đọc sách”, “Con thích đá banh”, “Con thích vẽ”. Ngoài việc động viên con khắc phục các điểm yếu của mình, bạn hãy giúp con khám phá, và mở rộng khả năng dựa trên chính những sở trường con đã có sẵn. Hãy cho con nhìn thấy rằng con có một vài sở trường rất mạnh, có thể khiến con thành công không kém cạnh gì các bạn đồng lứa, nhưng ở trong những lĩnh vực khác!

Đừng so sánh con với người khác

Cái bóng của một “siêu sao” không chỉ làm trẻ cảm thấy tự ty và đố kỵ, mà còn làm chúng khó theo, đơn thuần là vì “siêu sao” đó và con bạn có thể không có cùng sở trường. Luôn có cái nhìn cân bằng về kết quả và nỗ lực của trẻ.

Nuôi dạy một đứa trẻ thông minh, nhiều năng khiếu là điều bất kể cha mẹ nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, những đứa trẻ có phần lép vế hồi nhỏ có thể sẽ thành công vang dội lúc lớn, nếu được cha mẹ yêu thương, và chỉ bảo rằng: quá trình, nỗ lực, và thái độ luôn quan trọng hơn kết quả con đạt được ngày hôm nay!

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon