Thời đại học, anh Phạm Xuân Anh có phần thua các bạn. Nhưng đến giờ thu nhập và chuyên môn của anh lại vượt, nhiều bài toán bạn phải hỏi.

Anh Phạm Xuân Anh nhiều năm làm gia sư Toán ở Hà Nội chia sẻ về công việc dạy thêm, chút trăn trở về nghề.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi cố gắng xin làm trợ giảng môn Toán ở một trường đại học nhưng không được. May mà thời sinh viên tôi làm gia sư Toán nên khi không xin được vào trường, tôi tiếp tục làm công việc gia sư. Cứ tưởng đây là công việc tạm thời, nhưng không ngờ lại là cái nghiệp của mình.

Làm gia sư, chúng tôi phải đến nhà học sinh, đôi khi là học sinh đến nhà mình để dạy cho các em sau giờ học chính khóa ở trường. Nếu ở trường thì học sinh sẽ đi học do nhà trường tổ chức lớp, giáo viên chỉ việc đến dạy, nhưng đối với các gia sư thì chuyện khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi phải tự tổ chức lớp học, chọn kiến thức phù hợp để truyền đạt cho các em. Mở lớp ra rồi duy trì lớp học mà không tan vỡ và rồi sống được bằng nghề thì gia sư chúng tôi phải cố gắng nhiều. Bởi đi học thêm gia sư thì hiển nhiên không có sự bắt buộc, phải thật cần thiết, gia sư phải dạy thu hút lắm thì các em mới học.

Xem thêm: Vì sao sinh viên nên chọn gia sư là nghề làm thêm

Ngoài ra, chúng tôi còn bị ảnh hưởng bởi việc tẩy chay học thêm, dạy thêm. Rất may là việc học gia sư là nhu cầu của rất nhiều học sinh, phụ huynh, bởi vậy chúng tôi vẫn có nhiều đất diễn. Để là gia sư có sức hút thì trước hết phải có chuyên môn tốt. Để có chuyên môn tốt bản thân phải đọc rất nhiều. Đọc sách chuyên môn là hiển nhiên rồi, ngoài ra tôi còn phải đọc rất nhiều loại sách (trong cặp tôi ngoài sách Toán thì luôn luôn có 2 tờ báo Văn nghệ và Thể thao & Văn hóa) để nâng cao hiểu biết, để thấu hiểu học sinh…

Gia sư nếu không có chuyên môn tốt, bất chợt các em hỏi bài, chẳng hạn vừa thi xong môn Toán trung học phổ thông mà các em hỏi, thường là hỏi ngay câu cuối, nếu mình không giải được ngay thì sự thán phục của học sinh dành cho gia sư sẽ không còn, lớp học sẽ tự động giải tán. Vì các em không còn thấy sức hút của gia sư nữa do sự kính phục góp phần quan trọng tạo nên sức hút. Nếu ở trường thì các em sẽ vẫn tiếp tục học, nhưng lúc đó sẽ nhìn thầy cô với ánh mắt khác: bớt kính phục hơn, thậm chí coi thường.

Sở dĩ tôi đọc được nhiều sách là tôi may mắn có nhiều thời gian hơn các bạn trong nhà nước, tôi không phải họp hành, không phải mất thời gian để thi đua này nọ…, chỉ tập trung vào chuyên môn. Thỉnh thoảng tôi chợt nghĩ nếu mình bị chi phối bởi những đầu việc như giáo viên trong trường phổ thông hiện nay thì chắc chuyên môn cũng sẽ lẹt đẹt lắm.

Vài người bạn cùng khóa làm giáo viên như tôi, có người giờ làm quản lý, có người làm chuyên môn. Người làm quản lý thì tôi không nói, nhưng người bạn làm chuyên môn như tôi thì tôi có đôi điều để nói. Thời đại học, tôi có phần thua các bạn ấy về học lực. Tuy nhiên, đến giờ này thì mức thu nhập và năng lực chuyên môn của tôi lại vượt xa các bạn ấy, rất nhiều bài toán họ phải hỏi tôi.

Sở dĩ chuyên môn của họ kém hơn tôi là bị chi phối bởi rất nhiều đầu việc không phục vụ chuyên môn. Dịp này được nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói sẽ kiên quyết cắt giảm những việc không cần thiết để giáo viên có thể dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn của mình mà tôi thấy mừng quá. Hy vọng rằng ý tưởng này sớm thành hiện thực.

Hơn nữa vì đặc thù công việc nên tôi không chỉ dạy Toán riêng THCS hay THPT mà dạy luôn từ lớp 6 đến 12. Sự liên tục kiến thức này giúp tôi hệ thống và nắm vững kiến thức Toán phổ thông. Đặc biệt tôi được tự chủ trong dạy gì, dạy như thế nào theo từng đối tượng học sinh cụ thể để các em có thể lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất. Hiệu quả giảng dạy vì thế khá cao (thể hiện qua việc nhiều học sinh của tôi đỗ lớp chuyên, lớp chọn, đỗ đại học với điểm môn Toán cao).

Tôi sống được ở thủ đô bằng nghề gia sư Toán
Tôi sống được ở thủ đô bằng nghề gia sư Toán

Qua đây mới thấy Phần Lan, nền giáo dục hàng đầu thế giới, thật đúng đắn khi tuyển giáo viên gắt gao, nhưng sau đó giao quyền tự chủ cho họ. Nền giáo dục của chúng ta muốn phát triển thì nên học tập Phần Lan điều này. Ngoài năng lực chuyên môn, tôi còn có một chút vốn sống, một chút hiểu biết để thấu hiểu học sinh. Tôi đôi khi là người thầy, đôi khi là người bạn thân tình của các em.

Với tôi, nghề giáo cao quý nhưng cũng là một nghề dịch vụ. Dịch vụ phải tốt mới có nhiều khách hàng. Tôi luôn ghi nhớ câu “người dạy chữ thì nhiều, người dạy người thì ít” và câu “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” (William A. Warrd) trong mỗi giờ lên lớp.

Với năng lực chuyên môn vững, cộng với kinh nghiệm, hiện tại tôi có nhiều lớp học ở Hà Nội, từ lớp 6 đến 12. Thường ngày tôi dạy khoảng 3 ca, có hôm cao điểm (như ngày chủ nhật) là 5 ca. Dù tôi không lấy học phí cao (thường miễn phí hoặc lấy học phí tượng trưng đối với học sinh nghèo), giá thấp nhất là 400.000 đồng/ca, cao nhất là 1.500.000 đồng/ca (ca có nhiều học sinh) nên thu nhập ổn.

Xem thêm: Kỷ niệm lần đi dạy gia sư đầu tiên

Cộng thêm thu nhập của vợ, gia đình tôi có cuộc sống tốt, mua được hai căn hộ, ở một căn và cho thuê một căn, có ôtô thi thoảng đi du lịch. Tiền thu được từ căn hộ cho thuê cộng với việc tham gia vào 2 gói bảo hiểm coi như là tiền lương hưu. Việc vào nhà nước để có công việc ổn định và có lương hưu sau này như lúc trước tôi nghĩ giờ tôi hoàn toàn thực hiện được bằng công việc gia sư.

Nhiều người bạn dạy trong nhà nước còn tiếc là giá như đi theo con đường của tôi thì tốt biết mấy. Có người nói nghề chọn người, nếu đúng vậy thì thật hạnh phúc cho tôi vì nghề gia sư Toán đã chọn tôi. Tình yêu của tôi với nghề vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu làm gia sư hơn 20 năm trước.

Tuy nhiên, thú thật nhiều khi tôi vẫn có chút chạnh lòng. Tôi và nhiều bạn gia sư khác vẫn mong vào nhà nước hay một trường tư thục, vì chúng tôi muốn cống hiến nhiều hơn. Nếu dạy gia sư thì lượng học sinh chúng tôi truyền đạt ít hơn nhiều so với lượng học sinh ở nhà trường. Nhưng việc xin vào nhà nước thật sự khó khăn.

Rất may hiện nay nhiều trường tư thục sẵn sàng tuyển dụng những giáo viên thực sự giỏi với chế độ đãi ngộ ưu đãi (có trường tư thục trả lương tháng giáo viên 30-40 triệu đồng). Nếu các trường nhà nước không muốn chậm chân trong việc tuyển chọn người thì như nhiều người đã nói ngành giáo dục phải bỏ biên chế, sẵn sàng tuyển chọn những người có năng lực không học sư phạm nhưng lại muốn làm giáo viên (đối với những người này sau khi kiểm tra chuyên môn, cần cho họ học một khóa nghiệp vụ sư phạm).

Với lượng gia sư đông đảo hiện nay (nếu làm được một gia sư lâu dài thì người đó thực sự có nhiều phẩm chất tốt), cộng với lượng người giỏi không qua sư phạm nhưng lại muốn làm giáo viên thì nguồn tuyển dụng cho ngành giáo dục rất dồi dào chứ không đến mức bi quan như nhiều người nghĩ. Cơ bản là ngành giáo dục có chấp nhận một số thay đổi để tuyển họ không.

Thường thì chúng ta ít chia sẻ về chuyện lương lậu, thu nhập, bản thân tôi cũng vậy. Tuy nhiên qua công việc của mình, tôi muốn đóng góp một vài ý kiến mong nền giáo dục của Việt Nam sớm phát triển. Nếu một vài ý kiến này mà “như tiếng chuông nhè nhẹ” góp phần nhỏ bé để nền giáo dục nước nhà phát triển (câu văn của Goorki) thì sự chia sẻ của tôi thật là hữu ích. Mong lắm ngày nền giáo dục Việt Nam thực sự phát triển.

Nguồn: Vnexpress

2.4/5 - (10 bình chọn)

One thought on “Nghề gia sư toán kiếm sống thoải mái ở thủ đô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon