Vào thập kỷ 1960s, James Samuel Coleman (một nhà xã hội học, nhà lý luận và nhà nghiên cứu thực nghiệm người Mỹ. Ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ. Ông nghiên cứu xã hội học về giáo dục và chính sách công) đã được Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia Hoa Kỳ chỉ định thành lập một ủy ban gồm có ông và vài học giả khác, để làm một nghiên cứu và báo cáo về chất lượng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông đã thực hiện việc này trong suốt thời gian ông giảng dạy tại ĐH Johns Hopkins.

Nghiên cứu của ông là 1 trong những nghiên cứu (về giáo dục) lớn nhất của lịch sử Mỹ, nghiên cứu trên 650 ngàn sinh viên và 3.000 trường học. Báo cáo dài hơn 700 trang giấy. Báo cáo đã làm dấy lên một sự tranh luận dữ dội về “hiệu quả của trường học” mà nó vẫn còn có giá trị đến ngày hôm nay.

Báo cáo đưa ra bằng chứng cho thấy “phân bổ ngân sách cho trường học” chỉ có rất ít ảnh hưởng lên sự thành công của học sinh. Thành tựu của học sinh phần lớn là nhờ vào nền tảng gia đình, mà cụ thể là nền tảng giáo dục và vị trí kinh tế-xã hội của cha mẹ. Đặc biệt hơn, thái độ của cha mẹ và sự chăm sóc tận tâm của họ trong việc giáo dục con là điều quan trọng giúp con thành công. Báo cáo cũng nói rằng chất lượng của trường học và giáo viên chỉ mang lại một ảnh hưởng tích cực nhỏ vào sự thành công của học sinh mà thôi.

Tiếp theo, mình xin được chia sẻ nhận xét định tính, được tập hợp lại từ đánh giá của các giáo viên bên Úc:

– Đầu vào của học sinh chất lượng như thế nào, thì đầu ra như vậy. Thầy cô và nhà trường chỉ tạo điều kiện tối đa là 20% giúp học sinh phát triển

– Trường chuyên có đầu vào tốt, thì kết quả đầu ra học sinh có nhiều thành tích. Là do chính bản thân học sinh giỏi. Again, trường nào, dù chuyên hay không, chỉ tác động tối đa 20% vào học sinh.

thpt chuyên trần đại nghĩa

Đọc xong, thì mình nghĩ:

– Tại sao vai trò của trường học chiếm tỉ trọng quá ít trong thành tựu học hành của con, mà mình lại phải tốn quá nhiều tiền cho nó? Với thu nhập của gia đình mình, học trường quốc tế là cả một gia tài. Mình liệu cơm gắp mắm các bạn à. Mình thà để dành tiền đó, để lo cho con vào đại học

– Nếu con mình học giỏi rồi mới vào trường chuyên, chứ không phải nhờ trường chuyên làm cho con mình giỏi. Thì lý do nào mình phải chọn trường chuyên?

Như đã chia sẻ, mình có rất nhiều em đồng nghiệp là dược sĩ và bác sĩ; họ đều học giỏi và học trường chuyên từ nhỏ. Nhưng phần lớn trong số họ đều nói với mình “Em sẽ không cho con em học trường chuyên”. Vì sao? “Vì trường chuyên VN làm ngược đời với thế giới. Thế giới tuyển chọn các bạn có tố chất, các bạn giỏi bẩm sinh vào học; từ đó, với chương trình chuyên, học sinh sẽ được phát huy tốt nhất, để trở thành các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Còn VN thì bố mẹ cho con cái “học luyện thi chuyên” để vào được trường chuyên”. Vậy, các bé vào học chuyên đó, chỉ do ôn luyện, cày đề học chuyên mà giỏi, chứ không phải hoàn toàn do tố chất, do tự học mà giỏi. Và các thành tích thi học sinh giỏi, hoàn toàn là do miệt mài cày thi thi, ôn luyện nặng nề, học lệch…

Cách đây vài ngày, có một người mẹ trẻ gọi điện cho mình nhờ tư vấn cho con trai bạn. Bé ấy học Toán rất giỏi, đã được nhiều giải thưởng Toán Olympic thế giới. Người mẹ ấy cũng là cựu học sinh chuyên. Bạn cũng rất phân vân không biết cho con học trường chuyên hay không. Khi mình hỏi, mục tiêu em muốn con học trường chuyên là gì, bạn rất bối rối. Bạn chưa nghĩ ra được. Bạn nói “Em cũng bị cha mẹ bắt học chuyên. Thật sự, bản thân em đến giờ cũng chưa biết là tốt hay không. Với em, em không nghĩ ra nguyên nhân nào tốt hơn việc cho con học chuyên để thỏa mãn lòng tự hào của cha mẹ”.

Cá nhân mình cũng từng có tâm lý này. Khi thấy các bạn của Khuê thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, mình cũng có cảm giác nóng lòng và nói với ông xã “Sao không cho Khuê thi vào học thử xem sao? Không ổn thì mình ra”. Ông xã mình cười cười nói “Học trong đó chỉ để giải quyết khâu oai của bố mẹ thôi mà”. Lúc đó, mình tức ổng lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ngoài việc hãnh diện với người ta, thì mình không biết trường chuyên làm được gì cho con mình.

Gần đây, có 1 bạn trên FB cũng trao đổi về vấn đề này với ông xã mình. Mình nghe ảnh kể là, bạn nói “Cho bé học trường chuyên để mấy bé có môi trường tốt. (Tốt ở đây là) ai cũng giỏi, nên các bé cạnh tranh nhau để học giỏi hơn”. Điều này, mình công nhận là đúng, là có thật. Đây là một điều hiển nhiên ở trường chuyên.

Nhưng áp lực ganh đua nhau có khi là rất lớn. Mình đã từng kể đứa cháu ruột của mình, học chuyên Trần Đại Nghĩa. Khi cháu có học bổng bên Sing, thì 1 bạn cùng lớp cũng được. 2 bạn cùng đi du học, cùng được xếp ở cùng 1 phòng ký túc xá. Tiếc thay, sự cạnh tranh học hành đã trở thành sự đố kỵ. Không ai nhường ai. Suốt 4 năm trung học bên Sing, sống chung 1 phòng, mà 2 bạn không ai nói với ai câu nào. Mình nghe cháu kể mà mình sốc toàn tập.

Không chỉ là như vậy. Cách đây 1 năm, khi mình cho K đi học tranh biện. Lớp tranh biện có các anh chị học từ trường chuyên TĐN. Khi đứng chờ con tan học, mình và 1 PH của 1 bé học trường chuyên TĐN nói chuyện, bạn ấy xin mình thông tin về việc học TA, mình thật tình chia sẻ tất tần tật. Bạn ấy đã rất ngạc nhiên mà nói rằng “Không ngờ chị tốt với em như vậy. Con em học ở trường TĐN, các bạn trong lớp rất ích kỷ, ai cũng lo sợ, không ai chia sẻ gì hết. Các bạn đọc sách gì, đi học thêm ở đâu… đều giấu rất kỹ. Cha mẹ cấm con cái không được tiết lộ là mình đi học thêm ở đâu, không bao giờ cho các bạn trong lớp biết”. Mình nghe mà mình rụng rời luôn.

Đây là một câu chuyện của một cá nhân, tuy mình hoàn toàn tin là thật, nhưng mình hy vọng nó không đại diện cho tất cả trường chuyên. Nhưng mình cũng tin là, sự canh tranh học hành ở trường chuyên rất nặng nề, khiến tâm lý của các con không tốt. Sự ganh đua không lành mạnh sẽ dễ dàng dẫn đến đố kỵ, hiềm khích. Mình đặc biệt không mong muốn con mình học trong môi trường đó.

Thêm vào đó, ông xã mình còn phân tích thêm “Nếu động lực học hành của con chỉ là cạnh tranh với bạn bè, là do lực tác động bên ngoài, thì động lực từ chính bản thân con ở đâu? Vai trò của gia đình ở đâu?”

Việc một đứa trẻ cứ chạy đua mãi miết để cạnh tranh với người khác, chứ không phải do bản thân thích học, ham học mà phấn đấu; sẽ dẫn đến đâu? Đứa bé đó hoàn toàn có thể học rất giỏi, nhưng khi ra đời, với tâm lý lúc nào cũng đua tranh với thành công của người khác, thì liệu nó có sống vui vẻ không?

Một bạn có con học trường chuyên đã còm vào bài của mình “Con em học trường chuyên, và được học bổng tiến sĩ”. Mình hoàn toàn tin điều đó. Nhưng mình chỉ muốn phân tích cho rõ, việc con bạn học giỏi, là do tố chất của con và do gia đình bạn đã dày công với con. Với nền tảng đó, thì cháu sẽ học giỏi và thành công dù học ở đâu.

Chúng ta thấy rằng, dù học ở đâu, muốn giỏi thì cứ phải học thêm, học luyện. Ở SG có những giáo viên mà nhà của họ xây to như những lâu đài, trong nhà có thang máy, học sinh ra vào lũ lượt. Học sinh chầu chực đăng ký học thêm, có cả học sinh trường chuyên và trường bình thường.

Vậy, nếu chúng ta so sánh, giữa 2 học sinh có tố chất thông minh như nhau, nền tảng gia đình như nhau, cùng đi học thêm để giỏi; 1 bạn học trường chuyên áp lực học nặng nề, 1 bạn học trường bình thường học nhẹ nhàng thoải mái; thì 2 bạn đều có thể đạt mục tiêu học tập như nhau, nhưng hành trình học hành của 2 bạn khác nhau rất nhiều.

Gần đây, mình có đọc 1 bài viết của 1 PH trên nhóm ĐH, kể rằng “Thầy dạy chuyên của con (môn gì mình không nhớ) tuyên bố là ai học SAT, hoặc học ngoại ngữ 2… đều bị phạt, trừ điểm. Phải tập trung tất cả để học luyện thi học sinh giỏi”. Việc tập trung tất cả thời gian, sức lực của con chỉ để học 1 môn chuyên, mình e rằng, mình không bao giờ làm với con mình.

Hôm trước, cũng trên group ĐH, mình đọc được 1 bài viết của 1 giáo sư (là viện trưởng hay viện phó gì đó của Viện Toán). Ông đưa ra cái nhìn bất bình về việc học chuyên Toán của các trường chuyên hiện nay. Ông cho rằng, việc nhồi nhét học sinh bằng các thuật toán phức tạp, nâng cao quá mức, đánh đố… chỉ làm cho học sinh học giải toán một cách kỹ thuật. Hs không có sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất môn Toán, để có thể nghiên cứu Toán ở cấp cao hơn.

Ông chia sẻ, bản thân ông, khi xưa lúc ông đi du học; lúc đầu các sv nước ngoài ngưỡng mộ ông vì ông giỏi Toán hơn hẳn. Nhưng sau đó, khi ôn lại các kiến thức nền tảng thì ông không hiểu gì, trong khi tất cả SV bình thường ai cũng biết. Đó là vì học sinh chuyên chỉ được dạy những thứ cao siêu để đi thi cử, nhưng lại không được dạy kiến thức nền vững chắc. Đến khi vào đại học, phải học lại từ đầu.

Học chuyên để thi lấy thành tích HSG cấp thành phố, cấp quốc gia, để làm đẹp hồ sơ để xin học bổng, hiện nay là tâm lý rất đang hiện hành. Nhưng mà, học hành kiệt xác mới đạt được cái thành tích đó. Sao không chọn các cuộc thi Toán/ khoa học quốc tế để thi. Làm cách này thì “nhất cữ lưỡng tiện”: cuộc thi quốc tế thì uy tín hơn, mà cách học của các chương trình quốc tế cũng dạy sâu sắc, nền tảng hơn; khi con vào đại học, với lượng kiến thức tương đồng và thực tiễn đó, con học thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn; khi so với các bạn trường chuyên, chỉ có mớ lý thuyết và thuật giải bài hóc búa; sẽ chật vật học lại từ đầu trong những năm đại học.

Là mình, mình không chọn cách học đó cho con. Vì mình muốn con học thật, giỏi thật. Mình muốn những gì con bỏ sức học hành hôm nay, sẽ có giá trị đích thực cho con khi vào đại học và cả khi bước ra ngoài xã hội làm việc. Đó là lý do mình rất cân nhắc khi cho con học cái gì, và không học cái gì.

Cuối cùng, mình xin chia sẻ thêm một góc nhìn từ thầy Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ giáo dục Standford, mà mình vừa được có dịp dự hội thảo của thầy. (Thầy nói hay lắm các bạn à, mình đã nghe như nuốt từng lời. Mình đã kịp vội vã ghi chép được những điều quý giá mà thầy nói). Trong đó, có một đoạn, thầy nói về các tác động tiêu cực khi cho con học luyện, học cày để thi đạt thành tích:

– Học luyện thi là học cái kỹ thuật làm bài; cách học này làm triệt tiêu cách học đúng đắn là học sâu, học bài bản, học cho vững kiến thức nền tảng
– Học luyện thi làm triệt tiêu sự sáng tạo
– Học luyện thi làm triệt tiêu động lực tự học của học sinh

Mình đưa ra các phân tích dựa trên báo cáo định lượng và các đánh giá định tính. Các bạn cứ tham khảo và quyết định. Mọi quan điểm cá nhân cần được tôn trọng, không ai sai hay đúng. Mình cũng không có nhu cầu tranh biện đúng/ sai với ai. Mình xin phép không muốn tranh cãi nha các bạn.

Nguồn: Fb Pham Huong

5/5 - (2 bình chọn)

2 thoughts on “Học trường chuyên hay không?

  1. Thy Lê says:

    Con mình học 6 chuyên nhé, mình khẳng định TDN học nhẹ nhàng hơn trường công rất nhiều, thầy cô không quan trọng điểm số, tư duy thoải mái, dạy theo kiểu hiểu bài là ok, đề cương học kì 1 vừa rồi so với các trường công khác rất ít
    Cũng không thấy chuyện ích kỷ như bài viết nói, phụ huynh thân thiện, con trẻ vô tư, phong trào thể thao mạnh,

  2. Ngân Hà Trần says:

    Tùy thể lực và trí não đứa bé. Không phải phụ huynh muốn là được. Chín ép sẽ dễ bị hư thối. Nên cho con phát triển theo đúng thể chất và trí óc của con, muốn vậy phụ huynh phải hiểu và biết con mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon