Có rất nhiều bài chia sẻ về kỹ năng này. Nhưng tôi vẫn muốn viết. Thứ nhất, tôi nghĩ những bài đó chưa đủ. Thứ hai, tôi tin mình có thể gửi tới bạn góc nhìn mới hơn về việc học. Học luyện nói tiếng Anh không khó. Vì khó thì đã không phải ngôn ngữ phổ cập. Nếu bạn từng học mà vẫn chưa nói được. Hãy trung thực với tôi. Nó chỉ rơi vào 1 trong 3 nguyên nhân sau.

– Thứ nhất bạn lười.
– Thứ hai bạn không duy trì được động lực.
– Thứ ba bạn không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi cũng từng như thế. Và tôi sẽ giúp bạn khắc phục những điều đó.

luyen noi tieng anh

Suy nghĩ sai lệch.

Biết thêm ngoại ngữ không thừa. Bạn hiểu điều đó. Bạn có cơ hội được chọn công việc với mức thu nhập cao hơn. Tự tin đi du lịch nước ngoài mà không cần phiên dịch. Trình độ pro hơn nữa thì có thể xem phim bom tấn, nghe nhạc và đọc báo (Tôi chưa đạt le vồ này) vv…Nếu từng trải qua những công việc lao động chân tay vất vả như tôi thì bạn mới biết kỹ năng mềm hay ngoại ngữ hữu ích đến nhường nào. Nghĩ mà xem, ít nhiều thì một ông phiên dịch chắc chắn nhàn hơn một ông cửu vạn.

Một chuyện bạn cần nắm rõ. Tôi biết nhiều người có tư tưởng hơi lệch lạc. Họ nghĩ rằng họ dốt hoặc không có năng khiếu để bắt đầu học một ngoại ngữ mới. Dù không biết đó có phải là cái cớ để họ chống chế hay không. Nhưng nếu có chung suy nghĩ với họ thì tôi muốn bạn thay đổi lại cách nhìn. Thực chất tiếng Anh, tiếng Việt hay bất kỳ thứ tiếng nào cũng chỉ là ngôn ngữ. Mục đích chính của nó là truyền đạt thông điệp. Nếu bạn có thể nghe, hiểu và nói được tiếng mẹ đẻ thì không có lý do gì bạn không sử dụng và học được thêm ngôn ngữ thứ hai. Thực tế thì sau khoảng 3- 4 tháng chăm chỉ, bạn đã bắt đầu giao tiếp bập bẹ được rồi. Vâng, chỉ là bập bẹ thôi vì vốn từ của bạn đã nhiều đâu.

Một kinh nghiệm tôi rút ra từ bản thân mình. Nếu bạn có vấn đề về suy giảm trí nhớ hay cơ thể luôn mệt mỏi thì hãy đi thăm khám bác sĩ. Tôi từng mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Nó tồi tệ và ám ảnh. Ngày ấy, tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi. Còn trí nhớ thì… Nó khiến tôi phải tự hỏi: “Liệu mình có phải một thằng đần hay không?”

Xem thêm: Gia sư tiếng Anh giỏi 1 kèm 1 tại nhà hoặc online hiệu quả

Chìa khóa giúp tôi học nói tiếng Anh.

1. Hãy là người tự giác.

Tôi thích tự học. Mọi kỹ năng tôi có, mọi kỹ năng tôi chia sẻ đến bạn đều do tự học và miệt mài áp dụng mà ra. Điều này rất quan trọng. Nó giúp tôi làm việc độc lập mà không phải phụ thuộc vào người khác. Thực tế, chúng ta có thể tìm được hết các câu trả lời cho câu hỏi của mình trong sách hay trên internet (Đừng bắt bẻ, tôi không đề cập đến mấy vấn đề khoa học chưa chứng minh được hay chưa tìm ra giải pháp như người ngoài hành tinh, thuốc chữa si đa hay vắc xin chống cô vít). Bạn cũng nên như vậy. Một số bạn chần chừ không tập thể dục hay học tiếng Anh vv… vì một lý do hơi buồn cười là không có bạn đồng hành. Nếu phải có người đồng hành thì bạn mới chịu học thì rõ ràng bạn đang không học cho chính mình. Chẳng lẽ, khi họ hết động lực thì bạn cũng thôi luôn à. Rõ ràng bạn cần hành động để phục vụ cho tương lai của bạn. Do vậy, không chỉ ngoại ngữ mà bất cứ việc gì. Đừng phụ thuộc vào người khác. Trừ chuyện yêu đương, yêu mà không có đối tác thì không có sản phẩm.

2. Tập thể dục.

Tập luyện thể dục đem lại quá nhiều lợi ích. Bạn biết vậy. Nhưng tôi vẫn phải đề cập đến. Hãy dành một khoảng thời gian trong ngày để vận động hay chơi một môn thể thao nào đó mà bạn yêu thích. Nó không chỉ giúp đầu óc bạn minh mẫn mà còn giúp cơ thể bạn bớt ì ạch. Một trí óc minh mẫn với cơ thể dẻo dai sẽ giúp bạn bền sức để tiếp thu kiến thức mới nhanh và nhớ lâu hơn. Tôi dành khoảng trên dưới 40 phút mỗi ngày để tập luyện. 30 phút nhảy dây và 10 phút tập suối nguồn tươi trẻ.

Tôi ý thức được tác dụng của tập luyện từ rất sớm. Nhưng phải ngoài 20 mới thiết lập được kỷ luật. Kinh nghiệm tôi đúc rút để hình thành thói quen tập luyện là hãy bắt đầu một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Hãy nghỉ khi cơ thể cảm thấy thấm mệt. Đừng tập quá sức. Thời gian đầu, điều quan trọng nhất là hình thành thói quen. Khi làm được việc đó, bạn sẽ không phải dằn vặt rằng liệu hôm nay có nên đi tập hay không? Ví dụ để bạn hiểu. Ngày đầu tập luyện, nếu xác định chạy bền trong quãng đường khoảng 2km chẳng hạn. Lúc mới chạy được 300m mà bạn đã mệt, hãy cho phép bản thân đi bộ đến khi hồi người, sau đó hoàn thành nốt quãng đường còn lại. Đừng cố hết sức trong những lần tập đầu tiên. Cơ thể sẽ mệt quá mà sinh ra sợ tập. Sợ tập thì rõ ràng là sẽ không hình thành được thói quen. Lúc còn tuổi teen, một lần động lực tập luyện lên cao. Tôi rủ anh em cùng ngõ đi chạy bền. Hôm ấy là một thảm họa. Chúng tôi dở trò đánh đố nhau chạy quãng đường từ chân cầu Nhật Tân đến chân Cầu Thăng Long mà không nghỉ. Tất nhiên là cả đi lẫn về (Trên dưới 7km). Tối hôm đó, tôi như thằng chết rồi. Tôi ốm 4 ngày liền hôm sau. Động lực tập luyện tiêu tan. Kể từ đó, ngoại trừ tôi ra, không thấy ai tham gia tập luyện một lần nữa. Bạn thấy đấy, mọi cái ngu trên đời đều phải trả học phí. Chuyện gì cũng thế ! Hãy bắt đầu từ từ. Khi thành thói quen, mọi chuyện sẽ rất dễ dàng mà không cần gượng ép. Hãy tìm ra động lực tập luyện cho bản thân. Tôi sẽ nói cách thức cụ thể ở phần tự kỷ ám thị bên dưới.

3. Hãy là người biết ngủ ngắn.

Bạn nên tìm hiểu và thực hành điều này. Nhờ nó mà tôi học mọi thứ rất nhanh. Cứ khoảng mỗi 1 tiếng- 1 tiếng rưỡi làm việc hay đọc sách, tôi lại đi ngủ khoảng 7 phút giữa giờ. Nó giúp tôi không bị buồn ngủ và duy trì được sự tỉnh táo cho cả ngày làm việc. Có rất nhiều tác dụng mà một giấc ngủ ngắn mang lại. Bạn có thể tìm hiểu trên mạng. Để biết những kỹ thuật giúp đi vào giấc ngủ nhanh, hãy tìm đọc quyển “Ngủ ít vẫn khỏe”. Cuốn sách đưa ra phương pháp rút ngắn thời lượng ngủ/ ngày mà vẫn duy trì được sự dẻo dai như khi ngủ đủ 8 tiếng. Ngủ bao nhiêu tiếng là tùy bạn nhưng tôi muốn bạn đặc biệt chú ý đến phần lợi ích của giấc ngủ ngắn và cách đi vào giấc ngủ thật nhanh. Có thể bạn không tin. Nhờ ngủ ngắn, có những ngày tôi chỉ ngủ khoảng hơn 3 tiếng. Sáng hôm sau vẫn làm việc quần quật. Tất nhiên nó rơi vào số ít ngày. Hôm ấy, tôi viết content đến đêm muộn. Sáng sớm hôm sau, khách bất chợt muốn hẹn gặp. Bạn thấy tác dụng diệu kỳ của ngủ ngắn chưa.

4. Hãy hiểu và biết áp dụng nguyên lý của “Tự Kỷ Ám Thị”

(Bạn nên đọc cuốn Sức Mạnh Của Tiềm Thức)
Những điều tôi chia sẻ ở trên đều quan trọng, nhưng nếu muốn học ngoại ngữ suôn sẻ thì phần này quan trọng không kém. Bạn phải có ý thức tự học để không phụ thuộc vào người khác. Bạn phải duy trì thói quen tập luyện cũng như ngủ ngắn để cơ thể và đầu óc luôn dẻo dai và tỉnh táo. Tỉnh táo là chìa khóa giúp bạn học mọi thứ nhanh hơn.

Bây giờ tôi muốn bạn biết về tự kỷ ám thị. Tự kỷ ám thị là liều thuốc ảo tưởng tinh thần rất hiệu quả. Ngày qua ngày, sẽ có thời điểm bạn thấy mất động lực, chán nản và muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tự kỷ ám thị sẽ giúp bạn duy trì động lực để tiếp tục thực hiện điều đó một cách hào hứng. Nếu chưa biết, hãy để tôi là người hướng dẫn. Đầu tiên bạn phải tự tạo động lực cho bản thân để kích thích ý chí muốn học.

Cách một: hãy chọn 1 nơi yên tĩnh, nằm thả lỏng thư giãn và nhắm mắt lại. Như tôi thường là ở trên giường vào buổi đêm. Bây giờ hãy tưởng tượng ra viễn cảnh bạn có thể nói tiếng anh trôi chảy. Bạn là người thành công nhờ tiếng Anh. Bạn mặc một bộ vest đen quyền lực và đang bắn tiếng anh như gió để ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra viễn cảnh bạn đi du lịch khắp nơi trên thế giới, tán gẫu vô tư với người nước ngoài mà không cần đến phiên dịch.

Nói tóm lại, hãy tự vẽ ra bức tranh lộng lẫy mà tiếng Anh mang lại cho tương lai của bạn. Mấu chốt của việc này là làm cho tinh thần bị kích thích hưng phấn. Nhờ nó mà bạn tự tạo ra động lực cho việc học. Khi đã tìm thấy viễn cảnh lý tưởng. Hãy cảm nhận và nhớ thật sâu về ký ức đó. Bạn cảm thấy sung sướng ra sao ? Động lực muốn học tràn trề thế nào? Hãy lưu giữ nó thật kỹ. Đó là liều doping tinh thần giúp bạn vượt qua những lúc bạn lười hay mất động lực khi không muốn học. Mỗi lúc mất tinh thần, hãy tìm nơi yên tĩnh, nhập tâm và nhớ lại khoảnh khắc hưng phấn đó. Bạn sẽ tiếp tục có động lực để đi tiếp quãng đường. Lời khuyên của tôi là hãy làm nó thường xuyên vào mỗi ngày. Hãy dành từ 1 đến 2 phút trên giường để tập luyện việc nhớ lại khoảnh khắc ấy. Bạn sẽ không bỏ học giữa chừng mà luôn có động lực để làm việc.

Cách thứ hai: Nếu không thể tưởng tượng ra viễn cảnh kích thích tinh thần. Lời khuyên của tôi là hãy lên mạng đọc những bài viết, videos chia sẻ về lợi ích mà Tiếng Anh mang lại. Bạn cũng có thể chọn một hình mẫu nói tiếng Anh trôi chảy ngoài đời mà bạn muốn trở thành. Ví dụ như ông Phạm Thanh Hưng. Tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ hâm mộ ông này. Hãy tìm ra nguồn cảm hứng khiến tinh thần bạn bị kích thích. Hãy lưu lấy nó và ôn lại thường xuyên như tôi trình bày ở phía trên. Bạn sẽ không bỏ cuộc.

Quyết tâm học tiếng Anh

Phương pháp luyện nói tiếng anh của tôi.

Bạn đã đi được 90% quãng đường để luyện nó thành thạo.10% cuối cùng nằm ở phương pháp. Ngoại ngữ cần kiên trì và ý chí nhiều hơn là thông minh và năng khiếu. Bạn có thể chọn một phương pháp hay học theo một lộ trình của một trung tâm dạy ngoại ngữ mà bạn tin tưởng. Có rất nhiều khóa học online được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Về phần tôi, tôi vẫn chọn phương pháp tự học. Tài liệu của tôi chỉ gồm duy nhất 2 bộ đĩa. Một là bộ phát âm Pronunciation Workshop của Paul Gruber. Hai là bộ luyện nói và phản xạ tiếng Anh Effortless English của A.J Hoge. Hai bộ này đã quá nổi tiếng trên internet rồi. Bạn có thể download tài liệu, tìm hiểu chi tiết phương pháp và cách học Effortless English ở trên mạng. Chỉ cần luyện tập và áp dụng theo. Lâu dần, bạn sẽ xây dựng được khối lượng từ vựng cho bản thân và hình thành khả năng phản xạ để giao tiếp được với người nước ngoài.

Kinh nghiệm học Effortless EngLish của tôi.

Luyện nói có rất nhiều phương pháp. Và tôi đã chọn A.J làm thầy. Nếu bạn cũng quyết định học Effortless English. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm bản thân để bạn chuẩn bị trước tâm lý.

Cái hay đầu tiên của EE là bạn được tiếp xúc và sống hoàn toàn trong môi trường của người bản ngữ. Do vậy, bạn không phải băn khoăn về lỗi phát âm hay ngữ pháp như khi học người Việt. Ý kiến của nhiều người khi mới bắt đầu bập bẹ học nói thì đây là chương trình tương đối khó. Không phải vậy, nó thực sự rất hay! Hãy để tôi làm người gỡ rối giúp bạn. Ngay chính bản thân tôi cũng xuất phát từ con số 0.

Thứ 2: Ngoài nâng cao được khả năng nghe và nói. Bạn không phải chủ động ghi nhớ từ vựng. Nghĩa của từ sẽ tự động được nạp vào đầu của bạn theo hình thức những câu chuyện “quái dị” được kể, hay những bài báo audio.

Thứ 3: Bạn không cần biết nhiều và học ngữ pháp một cách máy móc như trên trường lớp. Nghe file POV lâu ngày bạn sẽ biết cách dùng ngữ pháp của người bản ngữ. Bây giờ đi vào chuyên môn.

Nếu mới bắt đầu, hãy học phát âm trước. Vì sao ư? Đơn giản Tiếng Anh sẽ có những phụ và nguyên âm mà tiếng Việt không có. Học phát âm sẽ giúp bạn chuẩn hóa được cách đọc và nói của người bản ngữ. Khi ấy, bạn bắn Tiếng Anh sẽ Tây hơn. Hãy mở bộ Pronunciation Workshop và làm theo chỉ dẫn của Paul Gruber. Đây là bộ dạy phát âm Anh Mỹ rất nổi tiếng và dễ học. Nếu dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để tập luyện thì sau hơn 2 tuần bạn sẽ là hoàn thành chương trình. Hãy cố gắng bắt chước chính xác và gần giống nhất nhé.

Thường khi mua 2 bộ tài liệu này, bạn sẽ được tặng kèm một khóa tiếng anh cơ bản của Pimsleur. Bạn có thể tùy chọn việc có học hay không. Anh em nhà tôi không học mà đi vào EE luôn.

Hãy bắt đầu từ DVD1, đây là đĩa cơ bản nhất. Khi học bài mới bạn sẽ gặp 4 file chính: Audio, vocabulary, ministory và POV. Tôi sẽ đi lần lượt tất cả.

Đầu tiên là file Audio (Rất Quan trọng): Đây là file luyện nghe và nạp từ vựng. Ở level 1, đây còn là file cung cấp thông tin để bạn trả lời câu hỏi trong ministory. Với cả người mới bắt đầu hay đã gắn bó với EE một thời gian. Khi học bài mới, file này vẫn luôn rất khó. Khó không phải theo nghĩa đánh đố, mà vì nó xuất hiện các từ mới. Điều này đòi hỏi tính kiên trì của bạn nhiều hơn. Bạn phải mất công dịch bài để hiểu nội dung câu chuyện. Nếu gặp vấn đề trong khâu dịch hay hiểu ngữ nghĩa của từ vựng. Hãy lên mạng tìm những bài dịch mẫu. Dù đã gắn bó với EE một thời gian khá dài, nhiều lúc tôi vẫn phải làm vậy. Đừng nghi ngờ bản thân mình dốt. Đây là chuyện thường. Càng học lên cao bạn sẽ gặp nhiều từ mới hơn. Từ nào chưa biết thì nó chưa phải của bạn => Nó khó.

Hãy luyện nghe và nhại lại từng câu để nắm được cách phát âm của người bản ngữ và hiểu được nội dung của bài báo.

Bạn chỉ hoàn thành file này khi:

Thứ nhất: Hiểu được nội dung của cả bài và nghĩa của từng câu.

Thứ hai: Nghe chính xác được từng từ và nhại lại được nhuần nhuyễn các câu trong bài audio(Học bằng phim cũng tương tự như vậy.) Hãy luyện nghe và nhại lại một cách thật kỹ. Đừng ngần ngại ngồi trước máy tính để ấn nút tua lại. Trong quá trình học, sẽ có 1 số từ bạn không nghe rõ dù đã tua đi tua lại nhiều lần. Đừng lo lắng, bạn có thể nghe lại bằng từ điển điện tử hoặc bỏ qua cũng không sao vì có thể bạn sẽ gặp lại nó ở bài sau. Nếu cần, đừng ngần ngại để bản text của audio trước mặt.

Tôi muốn lưu ý với bạn ở bước này. Đừng sợ mất công. Càng đầu tư nhiều thời gian, sau này bạn càng nhàn. Lấy ví dụ để bạn hiểu. Trong cuốn từ điển Anh ngữ có hàng trăm nghìn từ vựng. Nhưng quỹ từ dành cho giao tiếp chỉ rơi vào khoảng vài nghìn. Tiếng Việt cũng vậy. Hằng ngày, quanh đi quẩn lại bạn chỉ dùng những từ cố định như bố, mẹ, đi chợ vv.. Thỉnh thoảng giao tiếp về chủ để mới thì bạn mới mở rộng thêm vốn từ. Có phải vậy không? Ngay cả chương trình thời sự cũng chỉ liên tục nhắc đến những từ cố định như: chính trị, chính phủ và xã hội vv…Do vậy, chỉ cần 1 lượng từ nhất định để hiểu và truyền đạt nội dung đến người khác. Sau này đi làm, bạn sẽ phát triển thêm vốn từ chuyên ngành để giao tiếp dựa trên nền tảng từ vựng mà bạn đã có. Nếu cho là cần khoảng 3000 từ vựng để hiểu được 95% nội dung giao thiệp. Thì mỗi ngày, việc đầu tư thời gian để nghe, luyện phát âm và học cách dùng từ cũng chẳng có gì là lãng phí cả. Đến một ngày bạn sẽ chinh phục được quỹ 3000 từ kia. Những từ bạn từng nghe và học vẫn nằm trong đầu của bạn. Thời gian trôi qua, có thể sẽ quên một vài từ. Đừng lo lắng! Việc học lại sẽ rất nhanh. Nhại lại từ File Audio hay phim ảnh sẽ cho bạn cơ hội được nạp cả ngữ nghĩa và cách phát âm của từ mới vào đầu.

File vocabulary(ít quan trọng hơn): Đây là file giải thích nghĩa từ vựng của file audio theo cách của người bản ngữ. Mỗi khi học bài mới, bạn hãy nghe nó khoảng 2- 3 lần.

File POV(Quan trọng): Bắt đầu có từ bài The Race của DVD1. Đây là file giúp bạn tắm ngữ pháp một cách tự động. Hãy nghe đi nghe lại file này để biết được cách dùng ngữ pháp của người bản ngữ. Hãy tập kể lại câu chuyện như AJ ở các thì khác nhau. Dần dần bạn sẽ hiểu cách dùng ngữ pháp của người bản ngữ mà không cần phải học theo lối mòn sách vở.

File Ministory (Quan trọng nhất): Đây là xương sống của phương pháp Effortless English. Hãy nghe lại và trả lời các câu hỏi của A.J một cách thường xuyên. Tôi dành 70% thời lượng mỗi buổi học chỉ để làm điều này. Nó là chìa khóa giúp bạn phản xạ và nói Tiếng Anh một cách tự động và trôi chảy.

Những lời cuối cùng.

Bạn đã biết hành trình học ngoại ngữ của tôi. Nó đòi hỏi sự cần cù và tính kiên định nhiều hơn là tố chất thông minh và năng khiếu. Bạn sẽ chẳng thu được một chút thành tựu nào nếu bạn lười. Hãy áp dụng và luyện tập liệu pháp tinh thần tôi đã đề cập. Nó là liều doping giúp bạn vượt qua cảm giác chán nản để đi tiếp cuộc hành trình. Sau cùng, bạn sẽ nhận ra việc hiểu nguyên lý của tự kỷ ám thị sẽ giúp bạn chinh phục mục tiêu dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy áp dụng nó không chỉ với ngoại ngữ mà còn để hình thành thói quen tập thể dục, công việc vv…

Corona là đại dịch. Chẳng ai biết bao giờ nó qua đi. Hãy ý thức rằng cứ sau mỗi 24h nghỉ dịch trôi qua, bạn lại mất thêm 1 ngày của tuổi trẻ. Hãy tự hỏi bản thân mình: Sau đại dịch này bạn có gì trong tay? Đừng chần chừ, hãy vận dụng ngay sức mạnh của tự kỷ ám thị mà tôi đã đề cập ở phía trên để hành động.

Bài viết hay của bạn AJ Mai từ group Người Viết Lách

5/5 - (1 bình chọn)

One thought on “Bí quyết luyện nói tiếng Anh của tôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon