Nói về phương pháp Giáo dục Montessori thì giá trị và tính hiệu quả là điều không cần bàn cãi. Có điều nhìn qua cơ sở vật chất cùng các bộ giáo cụ tinh xảo, chất lượng và dĩ nhiên là giá cũng rất đẹp của các lớp Montessori thì tự nhiên lại nghĩ đến việc liệu phương pháp này có thể được phổ biến rộng rãi hay không và việc học có thể đi đôi được với thực hành chăng ?

Phương pháp Montessori với quan điểm chủ đạo là lấy trẻ em làm trung tâm, tạo điều kiện cho trẻ phát triển tối đa tiềm năng trong sự tự do và vui vẻ, như vậy có liên quan gì đến những lớp học sang trọng rộng rãi và những học cụ đắt tiền mà gần như là một yếu tố không thể thiếu trong việc áp dụng phương pháp này?

Phải chăng trẻ chỉ có thể phát triển khi được hoạt động và học tập trong một căn phòng đúng chuẩn, rộng rãi với những dụng cụ chuẩn xác, xinh xắn, sạch sẽ vô trùng như phòng thí nghiệm hay sẽ được thoải mái vui chơi với những món đồ chơi tự tạo cùng với môi trường đất, cát, nước, gió và cỏ cây hoa lá trong thiên nhiên?

phuong phap giao duc montessori

Theo nguyên tắc Montessori thì trẻ sẽ có 3 tiếng hoạt động trong nhà và 3 tiếng hoạt động ngoài trời. Nhưng ngay cả việc ra ngoài trời thì trẻ có được tự do vọc cát, nghịch nước , trồng rau, nhổ cỏ, bắt bướm, hái hoa trong tự nhiên… hay cũng chỉ là tự do trên thảm cỏ nhân tạo không một cọng rác, với những món đồ chơi vận động bằng composite sặc sỡ và an toàn, cùng với những bộ khung sắt thép vô hồn để có thể vui đùa ! Nếu như cơ sở đó nằm trong đô thị thì lấy đâu ra vườn cây, bãi cỏ cho các em lăn lê bò toài ?

Về cách tổ chức thì Trong phòng học có các khu phát triển các giác quan, khu toán học, khu khoa học, khu địa lý, khu ngôn ngữ, khu nghệ thuật… và khu phát triển các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Môi trường Montessori được xây dựng đẹp, hài hòa, sạch sẽ, có tính trật tự, đảm bảo điều kiện cho trẻ được hoạt động tự do . Như vậy trẻ sẽ được tự do phát triển theo một khuôn khổ định sẵn đựa trên các học cụ chuyên biệt trong từng lĩnh vực và vì thế các học cụ sẽ có một vai trò quan trọng mà phải chăng nếu thiếu chúng thì trẻ sẽ khó có thể phát triển ? Các học cụ giáo dục này được Bà Montessori, đồng sự và các thế hệ tiếp nối nghiên cứu, hoàn thiện, sáng tạo và phát triển theo thời gian.

Hiện trên toàn thế giới chỉ có ba công ty có bản quyền sản xuất dụng cụ Montessori . Như vậy trong môi trường học tập của trẻ, một mặt yêu cầu tôn trọng sự tự do nhưng lại là sự tự do trong khuôn khổ với những học cụ định sẵn, và nếu các cơ sở giáo dục theo phương pháp này muốn đạt chuẩn, thì chỉ được phép dùng các giáo cụ có bản quyền do 3 công ty sản xuất ? Trong khi trên thực tế thì có rất nhiều cơ sở sản xuất đều gắn cái mác Montessori vào học cụ của mình và cũng có rất nhiều cách dạy trẻ dán nhãn Montessori để thu hút bố mẹ đem con đến dù họ không nắm vững được các nguyên tắc cốt yếu và quan trọng nhất của phương pháp này.

Như vậy, khi xây dựng một phương pháp giáo dục mới, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện dựa trên nguyên lý tôn trọng giá trị của trẻ và phát triển năng lực cho các em – phải chăng Montessori lại cột các em vào những sản phẩm, chuẩn mực nhân tạo và cứng nhắc trong các phòng học sang trọng với những học cụ đắt tiền mà không phải khu vực nào trên thế giới, tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể sử dụng được – Điều đó hẳn là không phải là mục đích của bà – một nhà tiến sĩ về giáo dục luôn có lòng yêu thương và tôn trọng trẻ em.

Rõ ràng là về mặt nguyên lý – nghiên cứu tâm lý phát triển của trẻ và đưa ra các lý luận khoa học thì phương pháp Montessori quá hoàn hảo, và đúng là nếu được vận dụng một cách linh hoạt thì trẻ em sẽ phát triển rất tốt. Thế nhưng nếu đóng khung trong các lớp học và các công cụ không thể thiếu – thì hóa ra là chỉ dành cho một thiểu số trẻ em trong tầng lớp trung lưu trở lên. Điều này có thể không đúng với các nước tiên tiến, có mức sống cao với thì chi phí học tập cho trẻ em là điều không phải bận tâm. Thế nhưng ở các khu vực nghèo, thu nhập thấp thì nếu muốn con theo học các trường Montessori có khi chỉ là một ước mơ ! Vì thế, tại sao không nghĩ đến những cơ sở với những trang bị đơn giản, rẻ tiền có mức học phí thấp, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em của những tầng lớp lao động, mà vẫn không sai lạc các nguyên tắc chủ yếu của giáo dục Montessori – Hay phải tuân thủ theo đúng cách bô trí và sử dụng các học cụ bắt buộc?

Điều quan trọng hơn nữa, đó là giáo dục theo tinh thần Montessori đâu phải chỉ là ở lớp học, mà ngay tại gia đình, không nhất thiết là cứ phải bám theo sự ràng buộc vào các công cụ hay trường lớp đạt chuẩn. Muốn như thế, phụ huynh cần phải làm gì ?

Theo đúng tinh thần giáo dục Montessori – Phụ huynh cần có sự tôn trọng con, khi chúng ta muốn dạy con tôn trọng mọi người thì phải biết đặt mình vào vị trí của trẻ và ứng xử một cách tử tế , lịch sự với trẻ . Trẻ cần được tự do di chuyển trong các không gian tự nhiên ngoài thiên nhiên hay trong nhà, và dĩ nhiên là khi di chuyển, trẻ có thể gặp các trở ngại hay tai nạn nho nhỏ, chúng ta cần hướng dẫn trẻ những kỹ năng di chuyển an toàn nhưng cũng sẵn sàng để cho trẻ trải nghiệm những đau khổ, thách thức mà trẻ sẽ gặp phải chứ không quá bảo bọc trẻ.

Trẻ được tự do lựa chọn những món đồ chơi, những món ăn, trang phục để mặc sau khi đã được gợi ý, hướng dẫn cách sử dụng và điều quan trọng là thông qua các hoạt động tự do chọn lựa, quyết định và chấp nhận. Trẻ sẽ phát triển được tính tự lập. Phụ huynh có thể giúp đỡ bằng cách đơn giản hóa các công việc liên quan đến con để trao cơ hội cho trẻ có thể tự mình làm các công việc như mặc quần áo, rửa tay, đi vệ sinh, dọn đồ chơi… Trong đó, phụ huynh nên để cho trẻ tự ăn, tuy có thể trẻ sẽ làm rơi vãi thức ăn khắp nơi nhưng lại là cơ hội tốt để con thực hành các kỹ năng sống cần thiết. khi trẻ tự lập làm các công việc của mình, cha mẹ hãy quan sát để có thể hỗ trợ khi cần thiết và khen ngợi nếu con làm tốt. Sự khích lệ này sẽ giúp con có động lực và hứng thú khi tự mình hoàn thành công việc dù là nhỏ nhất.

Trong việc giao tiếp với con thì phụ huynh hãy sử dụng những lời lẽ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và cũng biết cách lắng nghe trẻ nói, để trẻ cũng học được cách lắng nghe người khác. Trong việc chơi với con, hãy lưu ý để sử dụng các công cụ, các món đồ chơi tự tạo hơn là sắm sửa các món đồ chơi có sẵn, đắt tiền . Quan trọng hơn, đừng vì sự tiện lợi mà cha mẹ cho bé chơi những món đồ chơi được lập trình sẵn và chỉ cần bấm nút để hoạt động trong khi con không phải làm gì nữa. Hãy dùng những đồ chơi trẻ có thể cầm nắm được và giúp con tập trung thực sự trong việc khám phá những ý nghĩa và cách tương tác với các món đồ chơi ngoài thiên nhiên.

Nuôi con là cả hành trình dài cùng con lớn lên và trưởng thành. Do đó, cha mẹ đừng vì áp lực dư luận hay lời nhận xét từ mọi người xung quanh mà áp đặt những điều tiêu cực vào phương pháp dạy con của chính mình. Kiên nhẫn là một trong những điều quan trọng mà phụ huynh cần có trong hành trình nuôi dạy con. Khi ba mẹ thiếu kiên nhẫn với trẻ sẽ rất dễ la mắng, trách cứ, thậm chí đánh đòn con.

Tuy nhiên, cha mẹ có biết, chỉ 1 giây mất bình tĩnh và thiếu kiên nhẫn, ba mẹ có thể vô tình làm tổn thương con. Vì thế, thay vì phản ứng giận dữ, vội vàng và thái quá, phụ huynh hãy bình tĩnh với trẻ. Cha mẹ có thể lắng nghe những chia sẻ về cảm xúc của con trước và cùng con tìm ra hướng giải quyết tích cực nhất. Có như vậy, sợi dây kết nối giữa ba mẹ và con mới thêm bền chặt.

Bà Maria Montessori đã từng nói: “Tình yêu thương trẻ vô điều kiện và đặt giới hạn cho các hành vi”. Từ câu nói của bà, cha mẹ dễ dàng nhận thấy rằng bất cứ mối quan hệ nào được vun đắp bằng tình yêu thương sẽ giúp con trẻ trở thành những công dân hạnh phúc.

Do đó, hãy đến với trẻ, lắng nghe các con bằng tình yêu thương và sẵn sàng hỗ trợ khi bé cần sự trợ giúp. Trẻ sẽ cư xử tốt hơn khi cảm thấy tốt hơn. Sức mạnh của tình yêu sẽ giúp bé thoải mái, suy nghĩ tích cực và hành động đúng đắn. Như vậy, giá trị cốt lõi của Montessori là cách chúng ta cư xử và hướng dẫn trẻ như thế nào, chứ không phải nhất thiết là bằng những lớp học “trong lồng kính” và những bộ công cụ hàng triệu đồng và phải trang bị thật đúng chuẩn !

Lê Khanh – chiều mưa thác đổ !.

Ghi chép của thầy Khanh Le giám đốc Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình và Trẻ em

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon
zalo-icon
facebook-icon